Học Tiếng Anh Kiếm Tiền, Không Kiếm Điểm
Học Tiếng Anh Kiếm Tiền, Không Kiếm Điểm

Học Tiếng Anh Kiếm Tiền, Không Kiếm Điểm

"Vòng xoáy luân hồi của những tổn thương", gọi tắt là "vòng xoáy tổn thương" - cụm từ nghe thật nặng nề nhưng lại ẩn chứa một thực tế muôn thuở trong nhiều gia đình.

Không chỉ riêng gia đình của tôi hay bạn, mà còn vô số gia đình khác đang chìm trong vòng xoáy ấy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một vòng luẩn quẩn khó thoát.

Trước khi đi vào nội dung chính, sẽ cần mở đầu (khá dài) cho việc tại sao lại có bài viết này...

Vốn định viết tuyến bài để bổ sung cho livestream "Bí kíp đa dạng hóa thu nhập online", nhưng tôi lại chần chừ vì Facebook nhắc lại sự kiện từ 2 năm trước.

Vốn là người có tính nghệ sĩ đặc biệt nhạy cảm về cảm xúc, nên đứng trước những cơn sóng cảm xúc như vậy thật không dễ gì để viết bài lý trí.

Nên bài này coi như là một tâm sự khá dài.

Biết đâu lại có ích cho những người thực sự cần.

Có thể bạn đã quên

Ngày này cách đây 2 năm (01.04.2024)

Nam sinh lớp 10 một trường chuyên ở Hà Nội đã nhảy lầu.

Và chỉ cần Google thì lại thấy nhiều bài báo của những trường hợp khác tương tự:

Nam sinh lớp 10 tự tử và nhiều vụ việc tương tự

Còn nỗi đau nào lớn hơn cho người ra đi và những người ở lại? Lại một kỳ thi nước sôi lửa bỏng đang đến gần. Cầu mong sẽ không còn trường hợp nào đau thương như vậy nữa.

Hãy bảo trọng, cả những bạn trẻ và những bậc phụ huynh!

Kính mong các bậc phụ huynh hãy nhìn những "nô lệ thời hiện đại" đang còng mình gánh lên vai đủ thứ trách nhiệm và kỳ vọng để dành nhiều sự thương cảm hơn.

cuộc đời có mấy lần 10 năm?...

Đây là những gì Tú Michael ghi lại với cảm xúc hỗn độn trong ngày 22.03.2022:

Sắp thi cấp 3 rồi, hôm trước có 1 bạn lớp 9 tự tử, hôm nay lại 1 bạn nữ sinh 15 tuổi, cũng lớp 9, rơi từ tầng 26...

Tuổi mới lớn với nhiều bất ổn về tâm lý…

Tú Michael đã từng trải qua những năm tháng cuối cấp 2, cấp 3 đầy đau thương. Những bữa cơm chan nước mắt, những đòn roi và lời mắng mỏ cay nghiệt, những áp lực kinh khủng từ bạn bè và gia đình mà không có ai để sẻ chia…

Chỉ có màn đêm và ánh Trăng…

Làm ơn đừng nói rằng hồi trước tôi cũng học, cũng thi còn vất vả hơn mà có sao đâu!

Thế giới quan và xã hội hồi đó khác xa bây giờ! Khác nhiều lắm!

Đã từng ít nhất 2 lần thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, lần gần nhất chỉ mới 07.02.2022 - ngay sau Tết thôi, Tú Michael dám khẳng định rằng chỉ cần một khoảnh khắc mong manh thôi là chuyện gì cũng có thể xảy ra..

Dành cho những bạn đang mất niềm tin và ngập chìm trong đau khổ, hãy cố gắng bình tâm, tìm ngay một người thân/họ hàng/bạn bè để khóc lóc, tâm sự, kể lể,v.v.. Làm bất kỳ điều gì cũng được!

Miễn là để cảm xúc được giải toả!

Và những người bạn dù online hay offline, nếu bạn nhận được một lời kêu cứu hoặc cuộc gọi bâng quơ, xin bạn hãy lắng nghe bằng trái tim của bạn.

Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp.

Biết đâu chỉ cần như vậy thôi, hàng loạt toà tháp đã được xây…

Nỗi đau và sự yếu đuối ẩn sau vỏ bọc hoàn hảo...

Nếu bạn đã đọc những bài viết tâm sự cá nhân của Tú Michael như "Suy ngẫm đêm hè trằn trọc" hoặc "Thế nào là hạnh phúc đích thực", chắc bạn cũng cảm nhận được đằng sau những ánh sáng thành công của Tú Michael là những bóng đêm ám ảnh, đặc biệt là về vấn đề tâm lý.

Bạn có thể xem video trích đoạn Tú Michael tham vấn tâm lý này để cảm nhận phần nào:

Video này nếu được đăng, thì vốn sẽ chỉ để ở chế độ friends only để tránh những hiểu lầm, tranh cãi không đáng có của những người không quen biết mà chúng ta hay gọi là "dang cư mận"..

Video này vốn chỉ được chia sẻ cho những người bạn mà Tú Michael có thể thực sự tin tưởng..

Thậm chí, video này đã từng bị xóa vĩnh viễn (Shift + Delete) vì có chứa quá nhiều nỗi đau và sự yếu đuối của Tú Michael - người đã từng mang quá nhiều mặt nạ để tỏ-ra-hoàn-hảo..

Nhưng bằng một cách thần kì nào đó, video này lại vẫn tồn tại...

Vốn rất ghét bị nhìn nhận là yếu đuối, là tỏ ra đáng thương để nhận lấy hoặc cầu xin sự thương hại của người khác, Tú Michael không đủ can đảm để xem lại video này.

Không hiểu sao lúc đó Tú Michael có thể khóc nức lên được.

Chợt nhận ra rằng...

Thời gian không giúp Tú Michael chữa lành những vết thương. Thời gian chỉ làm Tú Michael quen dần với nỗi đau mà vết thương đó mang lại.

"Có vô số đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, linh hồn chúng luôn muốn nhảy xuống những cây cầu. Chỉ là thân thể kiên trì ở lại, tê tê dại dại mà trở thành người lớn"

Đây là bài post Facebook lúc 7am ngày 02.04.2022, chỉ 1 ngày sau vụ nam sinh lớp 10 nhảy từ ban công chung cư lúc 3.30am..

Đặc biệt lưu ý:

Video đang để ở chế độ public. Có nghĩa là bạn có thể bình luận thoải mái.

NHƯNG bất kỳ bình luận mang tính mỉa mai, vuốt đuôi, đạo đức giả, cà khịa hoặc troll "cho vui thôi mà" sẽ bị xóa mà không báo trước.

Đôi khi, trong một số trường hợp, nếu không nói được gì tử tế thì tốt nhất không nên nói, kể cả đó là "hài hước cho vui".

Thời gian giúp ta chữa lành hay làm quen với nỗi đau?

Thương gửi bạn nam sinh lớp 10 đã nhảy lầu 2 năm trước, và cả những linh hồn lạc lối đang mắc kẹt trong trốn nhân gian..

Nếu các bạn đang đọc được những dòng này không chỉ bằng mắt thường mà còn cảm nhận thông điệp bằng một cách thần kỳ nào đó...

Hãy tin rằng cuộc sống của các bạn không hề vô nghĩa, dù các bạn chọn cách ra đi hay ở lại.

Nhưng Tú Michael mong rằng dù bế tắc hay đau khổ cỡ nào, các bạn sẽ chọn cách ở lại.

Những ai bị bế tắc hãy mạnh dạn lên tiếng cầu cứu, gạt qua những sĩ diện cá nhân.

Những ai tìm được lối đi hãy dũng cảm chỉ đường dẫn lối vô vị lợi, gạt qua những lợi ích cá nhân.

Vì mỗi hành động trên cõi online hay offline đều tác động qua lại lẫn nhau một cách vi tế.

Khi Tú Michael đăng lại bài post này, có một người chị luyện thi IELTS đã chia sẻ như sau:

Có 1 học sinh cũ của chị trong 1 lúc quá căng thẳng cũng bỏ đi, và trong phút giây mong manh đó thật may cháu trong vô thức đã đi đến nhà chị và chị đã cứu cháu kịp thời, bằng những bản nhạc mà cô và các trò đã cùng nhau nghe trong những năm tháng trước em ạ.

Đây là reply của Tú Michael

E hiểu.. Thật đáng thương quá chị ạ. E cũng đã từng không dưới 1 lần lâm vào tình trạng như vậy. Chỉ có âm nhạc và sự lắng nghe đã kéo e lại. Những câu chuyện như của chị cần được lan tỏa..

Dành cho những bạn lâm vào bế tắc, hãy mạnh dạn cầu cứu, dù là trên cõi online hay offline. Dành cho những bạn vô tình nghe lời cầu cứu đó, việc tốt nhất bạn có thể làm là ở bên và lắng nghe những câu chuyện không đầu không đuôi mà không cần mổ xẻ, phân tích hoặc phán xét. Và nhất là nếu không thể nói được điều gì tích cực thì chỉ cần im lặng thôi

Cứu 1 mạng người còn hơn việc xây 7 tòa tháp.

Biết đâu, chỉ bằng việc lắng nghe mà không phán xét, rất nhiều tòa tháp đã được xây?

Vòng xoáy luân hồi của những tổn thương

"Cha mẹ đánh đập tôi khi tôi còn nhỏ nhưng tôi không bị chấn thương tâm lý gì cả" – Đây là lời của một người đàn ông bị tố cáo vì có hành vi bạo lực thân thể người khác.

"Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ để tôi khóc một mình cho đến khi tôi thiếp đi và điều tồi tệ là tôi không được đi chơi bên ngoài" – Đây là lời của một người đàn ông dành hàng giờ liền trên mạng xã hội, cho dù việc đó ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của anh.

"Cha mẹ trừng phạt tôi khi còn nhỏ nhưng tôi vẫn ổn" – Đó là lời của một người đàn ông mà mỗi khi mắc lỗi thì luôn nói với bản thân những lời miệt thị như một kiểu tự trừng phạt.

"Khi còn nhỏ, tôi phải chịu đựng những cái bạt tay đau đớn mà bố mẹ tôi gọi là ‘giáo dục’" – Đó là lời của một người phụ nữ luôn không hiểu tại sao cuối cùng tất cả người yêu của mình đều trở nên hung hãn.

"Hồi nhỏ, mỗi lần tôi trở nên thất thường, cha tôi sẽ nhốt tôi trong phòng một mình để tôi hiểu ra vấn đề và hôm nay tôi rất cảm kích điều ấy" – Đó là lời của một người phụ nữ từng trải qua những cơn lo âu và không thể lý giải việc mình sợ bị nhốt trong không gian chật hẹp.



"Cha mẹ nói với tôi rằng họ sẽ bỏ tôi một mình hoặc giao tôi cho một người lạ nào đó nếu tôi có những hành vi bướng bỉnh, nhưng tôi không hề bị sang chấn tâm lý hay gì đâu" – Đó là lời của một người phụ nữ tha thiết được yêu thương và sẵn sàng tha thứ hết lần này đến lần khác cho những người đàn ông không chung thủy, chỉ vì cô sợ bị bỏ rơi.

"Cha mẹ có thể kiểm soát tôi chỉ bằng một ánh nhìn nhưng tôi đã vượt qua điều đó thành công" – Đó là lời của một người phụ nữ không thể giao tiếp bằng mắt với những nhân vật có 'uy quyền' mà không cảm thấy bị đe dọa.

“Khi còn nhỏ, tôi thậm chí còn bị đánh bằng dây cáp thép nhưng bây giờ tôi là một người giỏi giang, thậm chí là chuyên nghiệp” – Đó là lời của một người đàn ông bị hàng xóm tố cáo vì uống say rồi đập vỡ đồ đạc và quát mắng vợ.

"Cha mẹ bắt tôi phải học một nghề có thể kiếm nhiều tiền cho bản thân, và nhìn xem bây giờ tôi khá giả như thế nào này" – Đó là lời của một người đàn ông ngày nào cũng mong mỏi đến thứ Sáu vì anh ta tuyệt vọng trong một công việc mình không yêu thích.

"Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ bắt tôi ngồi cho đến khi ăn hết thức ăn, thậm chí còn đút ép tôi ăn cho bằng được vì họ không phải là những ông bố bà mẹ nuông chiều con" – Đó là lời của một người phụ nữ không hiểu tại sao cô không thể có mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn và thậm chí còn mắc chứng rối loạn ăn uống khi còn trẻ.

"Tôi cảm ơn bố mẹ mình vì mọi trận đòn roi và mọi hình phạt, vì nếu không có chúng, ai biết được điều gì sẽ xảy ra với tôi" – Đó là lời của một người đàn ông không bao giờ có được mối quan hệ tốt đẹp với con trai và con anh liên tục nói dối vì nó sợ anh.

Và cứ thế, chúng ta đi qua nhiều cuộc đời, lắng nghe nhiều người tự nhận mình đang rất “ổn” và không hề mang chút tổn thương nào, nhưng nghịch lý thay, trong một xã hội đầy rẫy bạo lực và những người đầy thương tích.

Chuyện này cứ được sao chép và nhân rộng.

Đã đến lúc chúng ta cần phá vỡ vòng lặp gây ra chấn thương cho các thế hệ này.

Nếu bạn cảm thấy đồng cảm với điều này, hãy nghiên cứu cách nuôi dạy con mình nhẹ nhàng, ôn hòa, hãy xây dựng mối quan hệ giữa bạn và con cái dựa trên sự tin tưởng, tình yêu thương và dẫn dắt chỉ bảo.

Đừng để như Tú Michael, khi chịu quá nhiều tổn thương, không thể hóa giải cảm xúc tiêu cực mà sinh ra xa cách, thậm chí hận thù bố mình. Và chỉ khi bố ra đi mãi mãi thì có hối hận cũng đã muộn.

Lý do nào dẫn đến vòng xoáy này?

1. Hạn chế trong nghệ thuật nuôi dạy con cái:

Nhiều bậc cha mẹ, vì thiếu kiến thức và kỹ năng, áp dụng những phương pháp giáo dục sai lầm, dẫn đến những tổn thương tâm lý cho con cái. Việc thiếu sự thấu hiểu, áp đặt suy nghĩ, hành động của mình lên con, hay sử dụng bạo lực ngôn ngữ, thể chất là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn và bất hạnh trong gia đình.

2. Bố mẹ không hạnh phúc:

Hạnh phúc gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con cái. Khi bố mẹ không hạnh phúc, thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã, con cái sẽ cảm nhận được sự bất an, lo lắng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.

3. Di sản lịch sử và xã hội:

Cái khó bó cái khôn. Những gánh nặng từ lịch sử, những định kiến xã hội, những khó khăn về kinh tế có thể tạo áp lực lên các thành viên trong gia đình, dẫn đến những mâu thuẫn và bất hòa.

4. Nghiệp quả:

Theo quan điểm Phật giáo, nghiệp quả có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Nhân duyên tiền kiếp dẫn họ đến với nhau, có thể là oan gia, là ân gia, tạo nên những ràng buộc và thử thách trong cuộc sống hiện tại.

Làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy tổn thương?

Cách hóa giải vòng xoáy luân hồi của những tổn thương

1. Thấu hiểu và yêu thương:

Đây là chìa khóa quan trọng để giải quyết mọi mâu thuẫn trong gia đình. Bố mẹ cần học cách thấu hiểu con cái, lắng nghe suy nghĩ và cảm xúc của con, đồng thời dành cho con tình yêu thương vô điều kiện.

2. Tha thứ và bỏ qua:

Để giải thoát khỏi oan gia, ân gia, cần học cách tha thứ và bỏ qua cho nhau. Khi con người biết tha thứ, họ sẽ giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng hận thù, oán giận, từ đó mở lòng đón nhận yêu thương và hạnh phúc.

3. Nâng cao kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái:

Cha mẹ cần tham gia các khóa học, đọc sách báo, tài liệu về nuôi dạy con cái để trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết.

4. Vượt qua những khó khăn:

Cùng nhau chia sẻ, gánh vác những khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp gia đình gắn kết và mạnh mẽ hơn.

5. Lan tỏa tình yêu thương:

Tình yêu thương là nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách. Hãy lan tỏa tình yêu thương đến mọi người xung quanh, từ đó tạo nên một cộng đồng hạnh phúc và văn minh.

Nếu bạn cần sự khai vấn và giúp đỡ về tâm lý, Tú Michael giới thiệu 2 địa chỉ đã góp phần trong việc giúp Tú Michael vượt qua trầm cảm là Like A Tree và mục sư Ngô Duy Cường.

Để tham gia các lớp học tâm lý của mục sư Cường thì bạn có thể liên hệ với Thiên Lý Nguyễn

Vòng xoáy tổn thương trong gia đình không phải là ngõ cụt. Chúng ta hoàn toàn có thể thoát khỏi nó bằng sự thấu hiểu, yêu thương, tha thứ và nỗ lực của bản thân. Hãy cùng nhau xây dựng những gia đình hạnh phúc, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.

Bài viết này chỉ là những chia sẻ nhỏ dựa trên trải nghiệm và quan điểm cá nhân. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn và gia đình.

Hãy chia sẻ bài viết này đến những người bạn, người thân của bạn để cùng nhau lan tỏa thông điệp về tình yêu thương và hạnh phúc trong gia đình.

Và nếu bạn có bất kỳ cảm xúc hoặc tâm sự gì, hãy comment ở phía dưới nhé.

Chúc bạn luôn bình an!

Tú Michael - Moondancer, Marketing Artist

Bình luận

banner-Tu Michael
Tu Michael's avatar

Help content creators to make money online by sharing actionable marketing tips #TEDxSpeaker since 2015 ⚠ Fact: Quit 9-5 banking job after 8 years (?!)

Hanoi, Vietnam

Cộng Đồng TuMichael

Tham gia cộng đồng Trại Gà MMO với hơn 5.000+ thành viên cùng nhau chia sẻ kiến thức MMO văn minh và lành mạnh